TT – Trước nạn nước máy ở một số khu vực bị nhiễm bẩn, nhiều người đã dùng nước tinh khiết để uống và nấu ăn hằng ngày. Sử dụng toàn bộ nước tinh khiết để ăn uống có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ? PGS.TS Trần Hồng Côn (ảnh) – chủ nhiệm bộ môn công nghệ hoá học, Trường Đh Khoa học tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) – cho biết:
TT – Trước nạn nước máy ở một số khu vực bị nhiễm bẩn, nhiều người đã dùng nước tinh khiết để uống và nấu ăn hằng ngày. Sử dụng toàn bộ nước tinh khiết để ăn uống có ảnh hưởng đến sức khỏe? PGS.TS Trần Hồng Côn (ảnh) – chủ nhiệm bộ môn công nghệ hóa học, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) – cho biết:
– Không nên dùng nước tinh khiết quá nhiều hay hoàn toàn trong ăn uống, đặc biệt là đối với uống. Nước tinh khiết được lọc bằng công nghệ thẩm thấu ngược (RO) hoặc trao đổi ion (IE) sẽ lọc đi các khoáng chất.
Các khoáng chất được bổ sung vào cơ thể bằng đường nước uống hiệu quả hơn ăn. Mỗi ngày một người bình thường có thể uống từ 2-4 lít nước, đảm bảo cung cấp đủ một số khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Những khoáng chất này có trong thành phần nước bình thường.
Uống thay thế hoàn toàn hoặc quá nhiều trong ngày bằng nước tinh khiết liên tục một thời gian dài dẫn đến cơ thể sẽ thiếu một số khoáng chất cần thiết, có thể bị mắc các bệnh thiếu vi chất. Ví dụ, thiếu chất côban không sản sinh được vitamin B12 vốn rất cần thiết cho cơ thể; thiếu một số chất khác sẽ ảnh hưởng đến cơ chế tạo ra vitamin B1; thiếu kẽm, manhê… sẽ làm thiếu các enzym dẫn đến các bệnh thường gặp như ngất xỉu, tê dại chân tay, ngứa ngáy… Cần phải sử dụng cả nước chưa qua lọc làm tinh khiết, còn có đủ các loại khoáng chất cần thiết cho cơ thể.
* Vậy người dân nên sử dụng nước cho nhu cầu ăn uống như thế nào để không ảnh hưởng đến sức khỏe, thưa ông?
– Đối với ăn uống, sử dụng nước máy đạt tiêu chuẩn là tốt nhất. Nước máy đạt tiêu chuẩn là phải đáp ứng được các yêu cầu: tiệt trùng, đảm bảo các thành phần khoáng, có đầy đủ các thành phần khoáng chất nhưng ở mức nhỏ hơn hoặc bằng tiêu chuẩn cho phép. Hiện nay có một số loại nước đóng thùng, đóng chai bán sẵn được lọc bằng ozon cực tím cũng được sử dụng khá phổ biến. Nhưng lọc như vậy mới chỉ có tác dụng tiệt trùng, không có tác dụng giảm bớt lượng các chất dư thừa có hại trong nước, ví dụ như asen, amoni, mangan…
Để tiệt trùng, xưa nay dân ta có thói quen rất tốt là sử dụng nước sôi để uống. Vì vậy trong trường hợp nước máy không đảm bảo được yêu cầu về khoáng chất, tốt nhất người dân cần tìm hiểu và có biện pháp xử lý phù hợp, nước dư thừa lượng chất nào thì sử dụng công nghệ lọc phù hợp để loại bỏ bớt chất đó. Nước tinh khiết có thể sử dụng trong các trường hợp đặc biệt, khi cần di chuyển, hội họp, trong các trường hợp đột xuất… Nhìn chung lượng nước tinh khiết không nên chiếm quá 50% nhu cầu nước uống hằng ngày.
Nguồn: tuoitre.vn