Nước Sạch Hiện Nay Vấn Đề Nhức Nhối
Thái Bình – Trước tình trạng nước sạch sinh hoạt không đảm bảo chất lượng sử dụng, thường xuyên phải chịu cảnh thiếu nước, hơn 20 hộ dân ở xã Đông Trà (huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) hiện đang sử dụng nước sạch của trạm cấp nước sạch Đông Trà đã phải làm đơn gửi đến UBND xã, huyện và Nhà máy nước sạch Đông Trung ở xã bên cạnh để xin đấu nối, mua nước.
Dù đã sử dụng qua bình lọc nước nhưng nước sạch của trạm cấp nước Đông Trà nhiều thời điểm vẫn đục như nước sông. Ảnh cắt từ clip do người dân cung cấp
Lo ngại vì dùng nước sạch nhưng không sạch
Ngày 1.3 vừa qua, gửi đơn thư phản ánh đến Báo Lao Động, đại diện người dân xã Đông Trà (huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) phản ánh: Từ nhiều năm nay, các hộ dân tại xã Đông Trà đã phải sử dụng nguồn nước sinh hoạt do Trạm cấp nước sạch Đông Trà sản xuất, cung cấp.
Theo người dân, Trạm cấp nước sạch Đông Trà sử dụng nguồn nước nội đồng để cung cấp cho các hộ dân tại địa phương. Hiện tại, trạm cấp nước này không có hệ thống xử lý nước như tách cặn, khử kim loại nặng, khử mùi mà chỉ lấy nguồn nước nội đồng tích nước vào ao chứa sau đó trộn clo để cung cấp cho các hộ dân.
Thiết bị vòi nước của người dân sau một thời gian sử dụng. Ảnh người dân cung cấp
“Những khi sông Trà Lý có nước ngọt cung cấp vào nội đồng thì nhà máy mới có nước để cung cấp. Vào thời điểm mùa khô, khoảng tháng 8 đến hết Tết Âm lịch thường không có nước để cung cấp, hoặc cung cấp nước mặn lấy từ sông Trà Lý cho người dân sử dụng.
Việc này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân, gây hỏng hóc các thiết bị vệ sinh, thiết bị dùng nước sinh hoạt của các hộ gia đình. Cụ thể làm han gỉ các van, vòi, thiết bị vệ sinh mặc dù chúng tôi đã sử dụng Inox 304 loại tốt, cá biệt một số hộ gia đình còn bị han, thủng bình nóng lạnh, có nguy cơ bị điện giật”, ông V.D.K – một người dân xã Đông Trà, lo lắng.
Về mùa khô, nước tại con sông nội đồng này cạn kiệt, nguồn nước đối diện nhiều nguy cơ ô nhiễm nhưng vẫn được lấy làm nguyên liệu để sản xuất nước sạch sinh hoạt. Ảnh tư liệu do người dân cung cấp
Theo ông K, ngày 2.1, qua quãng thời gian khoảng 15 ngày người dân không có nước sinh hoạt để sử dụng do trạm cấp nước sạch không lấy được nước nguồn để sản xuất, cung ứng, vì vậy, các hộ dân đã làm việc với Trạm cấp nước Đông Trà để giải quyết tình trạng không có nước, nhưng không nhận được câu trả lời thỏa đáng.
“Qua tìm hiểu quanh địa bàn, chúng tôi được biết có Nhà máy nước sạch Đông Trung thuộc Công ty TNHH Tấn Phát đã, đang cấp nước sạch sinh hoạt đảm bảo chất lượng và ổn định cho nhân dân các xã khu đông của huyện Tiền Hải sử dụng.
Trong khi xã Đông Trà lại là địa bàn tiếp giáp với xã Đông Trung. Do đó, hơn 20 hộ dân chúng tôi đã làm đơn gửi UBND huyện, UBND xã và Nhà máy nước sạch Đông Trung xin đấu nối để có nước sạch sinh hoạt để dùng, nhưng đến nay chưa được giải quyết”, ông K cho biết thêm.
Các hộ dân xã Đông Trà làm đơn xin đấu nối sử dụng nước sạch của nhà máy ở xã bên cạnh.
Trước các nội dung phản ánh nói trên của người dân, ngày 3.3, phóng viên Lao Động đã trực tiếp về xã Đông Trà (huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) để tìm hiểu, xác minh sự việc.
Theo chân người dân đến địa điểm đặt trạm cấp nước sạch Đông Trà, chúng tôi rất bất ngờ vì nói là trạm cấp nước sạch nhưng tại đây chỉ có duy nhất một hồ chứa trữ nước nhìn như một cái ao. Trên bờ, chỉ có một nhà điều hành diện tích rất nhỏ, nguồn nước đầu vào của trạm cấp nước sạch này chỉ là con sông nội đồng rất nhỏ, nếu không muốn nói chỉ là con mương.
Trạm cấp nước sạch Đông Trà. Ảnh: Trung Du
“Đây là về mùa này, sông mới được bơm nước vào để cấy lúa vụ xuân, chứ thời điểm mùa khô còn cạn trơ đáy, nhìn rõ đất bùn nứt nẻ. Thực sự chúng tôi rất lo lắng, sau khi có nước thì lại sợ thuốc diệt cỏ, thuốc diệt ốc bươu vàng, sâu bệnh phun lên ruộng lúa rồi lại trút xuống sông.
Nếu tiếp tục phải sử dụng nguồn nước như vậy lâu dài, người không bị bệnh mới là chuyện lạ. Đề nghị các cấp chính quyền giải quyết cho chúng tôi được đấu nối, sử dụng nước sạch của nhà máy khác đảm bảo hơn”, bà N.T.L (67 tuổi, trú xã Đông Trà, huyện Tiền Hải) cho hay.
Con sông nội đồng tại thời điểm ngày 3.3.2024. Ảnh: Trung Du
Cần khẩn trương xem xét, giải quyết quyền lợi chính đáng của người dân
Liên quan vụ việc này, sáng nay 4.3, trao đổi qua điện thoại với phóng viên Lao Động, ông Phạm Văn Vang – Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiền Hải – xác nhận ý kiến phản ánh của người dân là đúng thực tế.
“Nói là nhà máy thì không phải, đây chỉ là trạm cấp nước sạch có từ rất lâu rồi phục vụ bà con nhân dân xã Đông Trà. Về mùa khô đúng là có những thời điểm thiếu nước để phục vụ bà con vì nước sông nội đồng cạn kiệt.
Hiện nay, chúng tôi đã nhận được đơn của bà con xin đấu nối đường ống sang nhà máy bên cạnh và đang rà soát, báo cáo tham mưu lãnh đạo UBND huyện để có phương án hợp tình, hợp lý giải quyết tình trạng này cho nhân dân”, ông Vang cho biết.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Bình, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thái Bình có 30 trạm cấp nước đang sử dụng nguồn nước mặt từ các kênh nội đồng.
Nguồn nước nguyên liệu này đang có xu hướng ngày càng chịu gia tăng ô nhiễm do nước thải sinh hoạt, hoạt động xả thải khác và ảnh hưởng từ tác động của sản xuất nông nghiệp (thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ…). Do vậy rất khó kiểm soát chất lượng, có thể gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe người dân về lâu dài.
Mặt khác, do các kênh nội đồng được điều tiết để phục vụ cho hoạt động sản xuất nông nghiệp nên tại một số thời điểm như điều tiết tiêu úng trong mùa mưa bão phải hạ thấp mực nước trong kênh, gây ảnh hưởng trực tiếp đến việc khai thác nước đê xử lý của các trạm cấp nước.
Chưa hết, đối với riêng trạm cấp nước Đông Trà, do mô hình quản lý cấp xã vẫn còn hạn chế về năng lực chuyên môn, giá nước thấp nên không có chi phí để bảo dưỡng, cải tạo nâng cấp hệ thống nên công trình hoạt động kém bền vững.
theo Báo Người Lao Động
Để biết thêm thông tin và thắc mắc về sản phẩm lọc nước 3M, vui lòng liên hệ với chúng tôi. Fanpage: Máy lọc nước 3M.