BPA là gì? Tác hại và cách phòng tránh nhựa chứa BPA
Bạn đã từng nghe nói đến BPA và sự nguy hiểm của nó? Rõ ràng những mối lo ngại về nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe của các loại đồ nhựa là không phải không có cơ sở, đặc biệt với các kết luận của các cuộc nghiên cứu khoa học trong thời gian gần đây. Trong bài này chúng ta hãy cùng tìm hiểu BPA là gì, sự nguy hiểm của BPA với sức khỏe cũng như cách phòng tránh bệnh tật khi sử dụng đồ nhựa.
Cập nhật mới nhất: Nguy cơ ung thư của BPA Theo báo cáo mới nhất của Cơ quan Hóa chất Châu Âu năm 2017, các loại nhựa có chứa BPA (Bisphenol-A) nếu bị thôi nhiễm vào thức ăn có khả năng phá hoại các nội tiết của cơ thể, gây ra nhiều bệnh hiểm nghèo như ung thư, ảnh hưởng hệ thần kinh, suy giảm tuyến giáp… và các bệnh tật nguy hiểm khác |
1. BPA là gì?
Bisphenol A (BPA) có công thức hóa học là (CH3)2C(C6H4OH)2, được phát hiện vào năm 1891 bởi nhà hóa học người Nga Aleksandr Dianin.
Dựa trên nghiên cứu của các nhà hóa học tại Bayer và General Electric , BPA đã được sử dụng từ những năm 1950 để làm cứng các loại nhựa, trong đó chủ yếu là nhựa polycarbonate & nhựa epoxy, được dùng trong các loại hộp đựng thực phẩm và đồ uống.
BPA là gì?
Bisphenol A (BPA) là một chất hóa học dùng để sản xuất nhựa, chất dẻo, nhựa epoxy, nhựa polycarbonate (nhựa PC) và nhiều loại nhựa khác… BPA được ứng dụng để sản xuất rất nhiều loại nhựa dùng trong lĩnh vực hàng tiêu dùng bao gồm: chai nước, các thiết bị thể thao, đĩa CD, DVD, các đường ống dẫn nước…
Ít nhất 3,6 triệu tấn BPA được sử dụng bởi các nhà sản xuất hàng năm. Trong năm 2015, ước tính có khoảng 4 triệu tấn hóa chất BPA được sản xuất để sản xuất nhựa polycarbonate, làm cho nó trở thành một trong những khối hóa chất cao nhất được sản xuất trên toàn thế giới.
2. Ảnh hưởng của BPA đến sức khỏe và bệnh ung thư:
Sự nghi ngờ và những cuộc điều tra từ năm 2008:
Nghi ngờ khả năng tiềm tàng về nguy cơ gây ung thư của BPA và nguy cơ mất an toàn sức khỏe, kể từ năm 2008, một số chính phủ nhiều quốc gia đã mở nhiều cuộc điều tra nghiên cứu mức độ an toàn của BPA. Điều này dẫn đến việc rất nhiều nhà bán lẻ rút các sản phẩm nhựa PC và nhựa có sử dụng BPA ra khỏi các sản phẩm bình sữa trẻ em và các loại vật dụng đóng gói sữa bột cho trẻ em vì tính không an toàn của nó.
Liên minh châu Âu và Canada đã cấm sử dụng BPA trong các bình sữa em bé.
BPA bị nghi ngờ có khả năng bị thôi nhiễm vào thực phẩm (hòa tan vào thực phẩm) và có các tác động không tốt với sức khỏe như thay đổi chức năng của hệ miễn dịch, rối loạn tim mạch, ung thư, vô sinh…
Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng BPA có thể hòa tan vào trong thức ăn đồ uống, đặc biệt trong môi trường có nhiệt độ cao hơn bình thường.
BPA nguy hiểm ở chỗ nó có thể thôi nhiễm khi bao bì được đun nóng, được làm sạch bằng các chất tẩy rửa mạnh hoặc tiếp xúc với thức ăn hoặc đồ uống có tính axit
Mặc dù được sử dụng hơn 50 năm nay nhưng tới gần đây các nhà khoa học mới phát hiện ra BPA có khả năng gây ra rất nhiều các chứng bệnh cho con người, trẻ sơ sinh và thai nhi.
Theo Bộ Y tế Canada, BPA là một chất rất nguy hiểm bởi hợp chất này có khả năng phá hủy nội tiết tố và gây nên những biến đổi tiêu cực khôn lường cho sức khỏe con người. Nhiều tổ chức nước ngoài đã khuyến cáo rất rõ rằng phụ nữ có thai hoặc cho con bú nên tránh những sản phẩm có chứa chất BPA, nhằm giảm tối đa cơ hội bị phơi nhiễm (nhiễm độc do tiếp xúc), tránh ảnh hưởng cho trẻ mới sinh.
Những chứng bệnh mà BPA có thể gây ra:
– Thay đổi hành vi: nhiều thí nghiệm nghiên cứu cho thấy rằng khi tiếp xúc với BPA liều thấp có thể gây ra hiệu ứng hành vi, bao gồm cả tăng động, hung hãn, giảm khả năng tiếp thu, đảo ngược sự khác biệt giới tính bình thường trong cấu trúc não và loại bỏ những khác biệt trong hành vi tình dục, làm tăng khả năng nghiện ma túy…
– Gây dậy thì sớm: khi tiếp xúc với BPA liều thấp có thể ảnh hưởng đến thời gian khởi đầu của tuổi dậy thì.
– Bệnh down: phơi nhiễm BPA có liên quan đến một lỗi trong phân chia tế bào gọi là aneuploidy, gây ra 10-20% trong số tất cả các khuyết tật bẩm sinh ở người, bao gồm bệnh Down. Trong các nghiên cứu trên chuột, BPA gây aneuploidy ngay cả ở liều lượng rất thấp.
– Giảm lượng tinh trùng: một số nghiên cứu cho thấy nam giới thường xuyên tiếp xúc với BPA liều thấp cũng bị giảm khả năng sản xuất tinh trùng hàng ngày và khả năng sinh sản. Các nhà khoa học cũng cho rằng BPA làm sụt giảm nồng độ hormon nam trong cơ thể phái mạnh.
– Ung thư vú: đã có nghiên cứu tiết lộ rằng BPA kích thích phát triển tuyến vú, từ đó có thể dẫn tới tăng nguy cơ ung thư vú.
– Ung thư tuyến tiền liệt: khi nam giới tiếp xúc với BPA, kích thước tuyến tiền liệt có thể tăng đáng kể và tiềm tàng dẫn tới bệnh ung thư.
3. Loại nhựa nào có chứa BPA?
Để hiểu rõ hơn BPA là gì và mối nguy hại của BPA thông qua đồ nhựa, chúng ta cùng tìm hiểu về các loại nhựa thông dụng trên thị trường hiện nay.
Các loại nhựa, đặc biệt là các loại nhựa dùng để đựng thức ăn, hộp bảo quản thức ăn, các loại hộp nhựa, ca nhựa, chai nhựa, bình sữa em bé, vật dụng đựng thức ăn cho trẻ em… đều tiềm tàng nguy cơ chứa BPA mà chúng ta không hề biết. Hiện có 7 loại nhựa thông dụng nhất dùng để sản xuất các loại đồ dùng nói trên.
Trong số này, có 03 loại nhựa đặc biệt nguy hiểm vì có chứa BPA đó là:
- Nhựa số 3: Nhựa PVC là loại nhựa mềm và dẻo được sử dụng để sản xuất bao bì thực phẩm trong suốt, chai đựng dầu ăn, đồ chơi và rất nhiều sản phẩm khác. PVC khá phổ biến nhưng chúng có chứa 2 loại hóa chất độc hại làm ảnh hưởng đến hóc-môn cơ thể. Chất này có thể giải phóng chất độc khi ở nhiệt độ cao, nên chỉ được phép đựng thực phẩm hoặc đồ uống dưới 81 độ C.
- Nhựa số 6: Nhựa PS, hay polystyrene, là loại nhựa rẻ và nhẹ có thể tìm thấy trên vỏ một số hộp đựng đồ ăn nhanh, cốc uống nước, hộp đựng trứng và dao đĩa thìa picnic. Dù chúng có khả năng chịu nhiệt và lạnh đáng kể, nhưng ở nhiệt độ cao như lò vi sóng chúng có thể giải phóng chất độc hại. Ngoài ra, cũng không được dùng đựng đồ có chất acid mạnh, chất kiềm mạnh. Chính vì thế, loại nhựa này không được phép dùng để đựng đồ ăn thức uống lâu dài.
- Nhựa số 7 (nhựa PC và các loại nhựa khác): Loại nhựa này có thể dùng để đựng thùng hoặc can nước dung tích 3 – 5 lít và một số sản phẩm đựng thức ăn. Là loại nhựa nguy hiểm nhất, dễ dàng sinh ra chất gây ung thư, vô sinh BPA.
Cả 3 loại nhựa này có khả năng hòa tan BPA vào thức ăn đồ uống rất nguy hiểm (đặc biệt nhựa của loại số 7 thường được dùng làm bình sữa cho trẻ em).
Lưu ý:
Khi mua các hộp đựng bằng nhựa, không bao giờ mua một trong 3 loại nhựa trên. Các bạn hãy lật phần đáy hộp để xem các ký hiệu này. Nếu không có ký hiệu tức là hàng nhựa trôi nổi, các bạn đừng nên mua.
Các loại nhựa do các hãng uy tín sản xuất đều có ghi chú BPA-Free (tức là loại nhựa không chứa BPA)
Cho tới nay ở Việt Nam, việc sử dụng các đồ nhựa không chứa BPA (BPA-Free) vẫn còn chưa được quan tâm đúng mức. Để bảo vệ sức khỏe cho mình và đặc biệt là con em mình, xin tránh sử dụng bất cứ hộp nhựa nào (hoặc bình nhựa, bình sữa) không có cam kết BPA Free.
4. Biện pháp phòng tránh bệnh tật:
Cho đến nay, Việt Nam chúng ta vẫn chưa có các nghiên cứu khoa học nào để làm rõ các tác hại của BPA là gì nên chưa có quy định an toàn nào về BPA.
Vì vậy để hạn chế các rủi ro không đáng có, các bạn nên lựa chọn sử dụng những mặt hàng nhựa có thương hiệu và chất lượng tốt, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đặc biệt là các vật dụng, đồ ăn, đồ uống liên quan đến trẻ nhỏ. Tuyệt đối các bạn đừng ham rẻ mà dùng những đồ không rõ nguồn gốc được bày bán trôi nổi trên thị trường.
Giảm tối thiểu việc tiêu dùng các các thực phẩm và đồ uống đóng hộp vì lớp tráng bên trong hộp có thể chứa BPA, thay vào đó hãy nên dùng các thức ăn tươi hay đông lạnh.
Dùng các bình nước làm bằng thủy tinh, hoặc bằng Inox là tốt nhất.
5. Hạn chế BPA trong bình sữa khi pha sữa cho bé:
Một báo cáo năm 2007 của tổ chức môi trường California cho thấy khi đun nóng bình sữa nhựa có chứa BPA thì lượng BPA tiết ra là khá cao.
Khi chúng ta tiệt trùng bình sữa bằng cách đun sôi thì vô tình chất BPA sẽ xuất hiện trên bề mặt bên trong bình sữa, vì thế trước khi pha sữa chúng ta nên tráng bình bằng một ít nước chín đã để nguội nhằm dội đi chất BPA có trong bình sữa.
6. Lời khuyên hữu ích khi sử dụng các sản phẩm từ nhựa:
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương trước tác động của chất BPA. Cha mẹ và những người chăm sóc trẻ cần lưu ý những thông tin sau để tránh cho trẻ tiếp xúc với chất độc hại này:
- Hết sức thận trọng với những sản phẩm nhựa, đặc biệt là bình sữa và các sản phẩm đựng chất lỏng cho bé không rõ nguồn gốc xuất xứ và tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm nhựa đã bị mờ đục hoặc trầy xước bề mặt vì khi đó nó giải phóng nhiều chất BPA hơn so với các sản phẩm nhựa bình thường khác.
- Nên vệ sinh sản phẩm bằng tay hơn là trong máy rửa bát và đặc biệt là không được sử dụng các loại cọ để chà rửa bề mặt của sản phẩm. Việc làm nóng quá mức hoặc chà rửa quá mạnh gây trầy xước bề mặt bên trong của nhựa có thể làm rò rỉ một lượng lớn BPA có trong sản phẩm.
- Chỉ tiệt trùng đồ nhựa khi thật cần thiết.
- Không sử dụng các hộp nhựa chứa chất polycarbonate trong lò vi sóng. Đây là chất mạnh và bền, nhưng theo thời gian nó có thể bị phá vỡ cấu trúc khi sử dụng ở nhiệt độ cao và cho phép BPA có thể ngấm vào thức ăn.
- Nên sử dụng các loại hộp nhựa để đựng rau hoặc hoa quả tươi, đồ đông lạnh để làm giảm sự phơi nhiễm của BPA từ các sản phẩm nhựa.
- Nhựa PC cứng, trong suốt, sẽ có ký hiệu mã tái chế số 3 hoặc số 7 dưới đáy chai. Cha mẹ hãy lưu ý khi chọn mua các sản phẩm đồ nhựa cho con em mình.
- Hãy chọn những sản phẩm nhựa không chứa BPA và được dán nhãn BPA free như loại nhựa PP (polypropylene) mềm và đục hơn nhựa PC, ký hiệu bằng chữ PP hoặc số 5 dưới đáy. Nhựa PES, PPSU cũng rất an toàn với người sử dụng và đặc biệt những loại nhựa này cách nhiệt tốt.
- Nếu có thể, hãy lựa chọn các chất liệu thay thế như thủy tinh hoặc thép không gỉ để đựng thay vì các sản phẩm nhựa, đặc biệt với thức ăn hoặc các loại chất lỏng nóng..
- Tránh sử dụng các sản phẩm đóng hộp, đặc biệt là hộp nhựa vì hầu hết các sản phẩm này đều được lót bằng nhựa có chứa BPA.
Để biết thêm thông tin và thắc mắc về sản phẩm lọc nước 3M, vui lòng liên hệ với chúng tôi. Fanpage: Máy lọc nước 3M.